Sơn ta Việt Nam – từ sơn mài đến bức tranh tâm hồn sống động
Tranh sơn mài được coi là biểu tượng của hội họa Việt Nam – dòng nghệ thuật đặc biệt từ biểu cảm đến chất liệu sáng tác. Nhựa cây sơn đã trở thành chất liệu độc đáo trong nghệ thuật tạo hình. Các nghệ sĩ trong nhóm Sơn ta Việt Nam đã thực hiện các tác phẩm và qua 4 mùa triển lãm. Tại triển lãm lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội, một lần nữa cho thấy những đôi bàn tay tài hoa của các họa sĩ tìm cách khai phá sức biểu đạt của chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài.
Chất liệu sơn mài cho nghệ sĩ sức sáng tạo không giới hạn
Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác và do bảng màu, kĩ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ. Nhưng rồi, các họa sĩ Sơn ta đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng mới lạ, hiện đại cho tranh sơn mài.
Tác phẩm Sen của nghệ sĩ Đỗ Đức Khải. |
Đó là sự biến hóa linh hoạt trong bảng màu, chủ đề, lối thể hiện, ngay cả trong đường nét, hình mảng khi thì chắc khỏe, khi thì mềm mại, khi tỉ mỉ đến từng nét bóng đổ trên mặt nước, từng chi tiết sếp bóng của phiến lá sen. Trong triển lãm lần này, các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để tạo nên vệt tranh biểu tượng bên cạnh những tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ… Có thể nhắc đến Giếng và Bóng của họa sĩ Phùng Huy với lối thể hiện tối giản, bảng màu trầm nặng, nhưng vẫn toát lên được nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá.
Tác phẩm Bóng của Phùng Huy. |
Từ rung động của nghệ sĩ hình thành tiếng nói của tạo hình
Họa sĩ Trần Trọng Linh – chủ nhiệm nhóm Sơn ta Việt Nam luôn trăn trở để làm sao có tiếng nói riêng trong từng tác phẩm, tạo nên rung động trên chất liệu truyền thống đưa sơn mài vào sẽ có nhiều câu chuyện để bàn bạc và đem ra khai thác.
Họa sĩ Trần Trọng Linh, tác giả của bức tranh Cuối Hạ cũng nhấn mạnh: “Làm tranh sơn mài trải qua giai đoạn, vẽ đắp nhiều lớp mài và quan trọng nhất là quá trình mài để từng lớp sơn hiện dần ra. Đó chính là quá trình mà họa sĩ cảm thấu tác phẩm, nếu như mài chưa tới hoặc quá đi thì bức tranh sẽ không đạt. Sự rung động của họa sĩ trong từng nhát mài, hồi hộp quá trình khi lớp mài hiện dần lên sẽ tạo ra rung động.”
Tranh "Cuối Hạ" của họa sĩ Trần Trọng Linh. |
Từ những rung động với hiện thực cuộc sống, mỗi người nghệ sĩ sẽ tạo hình sơn mài theo nhiều cách khác nhau, để khi quan sát tác phẩm đó người xem sẽ khám phá và cảm nhận được rung động, nỗi niềm của người nghệ sĩ.
Trước bức tranh “Ngõ vắng” của họa sĩ Chu Viết Cường, người xem có thể cảm nhận được không gian bình yên của làng xưa. Những nét vẽ tối giản cùng cách phối màu độc đáo của ánh nắng ban trưa len lói qua rặng cây xanh, phóng khoáng về không gian thể hiện đã hòa quện vào nhau để tạo nên một tác phẩm sơn mài đầy cảm xúc.
Tác phẩm Ngõ vắng – Chu Viết Cường. |
Quan sát hàng loạt các tác phẩm của 18 tác giả, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Cục trưởng cục mĩ thuật đã thấy được vẻ đẹp mới của sơn mài. Và chính hiện thực cuộc sống đã tạo nên kích thích mới, rung động mới trong sáng tạo nghệ thuật của các họa sĩ. Họ đã chọn những gì có khả năng biểu đạt tốt nhất cùng tâm hồn được nuôi dưỡng để khi nhìn bức họa có thể đọc được cảm xúc và suy nghĩ của tác giả.
Triển lãm Sơn ta Việt Nam mở cửa tự do đến hết ngày 8/6/2020, với hy vọng tạo nên một không gian khám phá cho những người đam mê sơn mài và muốn tìm hiểu về chất liệu truyền thống độc đáo của dân tộc. Mỗi một bức tranh sơn mài được hoàn thiện chính từ sự kết hợp của đôi bàn khéo léo và cả những rung động của người nghệ sĩ./.
No comments