Kể chuyện làng: Chuyện người nghệ nhân hát Then
Ông Hà Văn Nguyện là một trong những số những người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân vừa qua. Kể cho tôi nghe về câu chuyện của mình, ông Nguyện bảo: "Tôi sinh ra và lớn lên tại thôn Kiên Lao, được mảnh đất quê hương nuôi lớn bằng của khoai, củ mì và những lời câu hát Then, tiếng đàn tính. Từ tấm bé, bản thân đã mê mẩn tiếng đàn, tiếng sáo và đến năm 12 tuổi, tôi được học đàn tính và hát Then từ cha và ông nội mình, tình yêu với ca hát lớn lên trong tôi từ ấy".
Với niềm đam mê cây đàn tính, ông Nguyện nhanh chóng tìm hiểu các loại đàn tính và nghệ thuật hát Then của người Tày. Từ âm điệu của những bài Then như cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động sản xuất hay những giá trị gia đình… đã thấm vào tâm trí và trái tim chàng thanh niên người Tày ấy. Nhờ thuần thục với thanh âm và những điệu múa khèn, ông Hà Văn Nguyện trở thành người thủ lĩnh văn nghệ trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội diễn nghệ thuật của xã.
Nói đến văn hóa dân tộc Tày, không thể không nhắc đến đàn tính và điệu hát Then. Nhiều năm qua, ông Nguyện chính là người tiếp nối, trao truyền tình yêu với cây đàn tính và điệu then cho nhiều người trong vùng.
"May mắn cho tôi, ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi đã tiếp cận với nghệ thuật đàn tính từ ông nội của mình, rồi lại được học hát Then từ những nghệ nhân trong xã. Tiếng đàn, điệu Then đẹp lắm, ở đó cảm nhận rõ được tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động sản xuất hay những giá trị gia đình…", ông Hà Văn Nguyện nói về những giá trị văn hóa ấy bằng cả tình yêu trong tâm hồn mình.
Thanh âm đàn tính hát Then cứ thế ngấm vào ông theo năm tháng để rồi không những biểu diễn thuần thục các làn điệu Then, ông còn có thể sáng tác các bài hát Then lời mới và dàn dựng các tiết mục phát triển theo các điệu dậm. Chẳng những vậy, ông Hà Văn Nguyện còn là một trong số ít người đóng mới và sửa chữa được nhạc cụ đàn tính hiện nay.
Nhiều năm nay, tiếng đàn của ông Nguyện có mặt trong rất nhiều lễ hội ở địa phương. Cũng tiếng đàn ấy nhiều lần tham dự các hội diễn của huyện, tỉnh và vinh dự được ghi nhận. Không chỉ thành thục đàn và hát, ông Nguyện còn có khả năng sáng tác. Các bài Then cổ được ông biến tấu theo chủ đề ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động trở nên dễ nhớ, dễ với các thành viên trong Câu lạc bộ Đàn tính hát Then xã Kiên Lao.
Nặng lòng với những lời ca, điệu múa, những nghệ nhân ấy không chỉ nhiều năm say mê thực hành văn hóa di sản phi vật thể mà còn mong mỏi, khát khao những giá trị văn hóa này tiếp tục được tiếp nối, lưu truyền. Bởi vậy, nhiều năm qua ông Nguyện chẳng ngần ngại bỏ công sức để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Đến giờ, với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đàn tính hát Then của xã, ông vẫn tiếp tục công việc truyền dạy ý nghĩa này. "Trước đây, hát Then có sự đóng góp của các nghệ nhân gạo cội, nhưng giờ đây, hát Then còn được "tiếp sức" bởi những nghệ nhân trẻ đầy tài năng và triển vọng, nhất là khi các nghệ nhân tiền bối đã bước qua tuổi xế chiều.
Để bảo tồn và phát huy hát Then, tôi thấy cần phải có nhiều hơn nữa những nghệ nhân trẻ tâm huyết để có thể tiếp nối di sản mà cha ông đã để lại. Tôi mong muốn các cấp, các ngành ở địa phương, trung ương có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, cũng như mở thêm nhiều trường lớp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm phát triển hơn nữa loại hình văn hóa nghệ thuật này", ông Nguyện bày tỏ.
Với những đóng góp lặng lẽ và bền bỉ của mình với tình yêu văn hóa dân tộc, cuối năm 2020, ông Nguyện vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là Nghệ nhân ở loại hình nghệ thuật Trình diễn dân gian. Tấm gương người nghệ nhân Hà Văn Nguyện không chỉ như trang sách sống về lĩnh vực văn hóa phi vật thể mà còn lan truyền tình yêu ấy để giá trị văn hóa hát Then có cơ hội bền vững với thời gian.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments