Đọc sách cùng bạn: Biết hỏi là biết trả lời
Phan Đăng làm báo đã biết công thức "5W": What (cái gì), When (khi nào), Where (ở đâu), Who (ai) và Why (tại sao). Trước cuốn sách này Phan Đăng đã có cuốn "Ở trong đầu trí thức" tập hợp những bài anh phỏng vấn các nhà trí thức trên nhiều lĩnh vực. Người phỏng vấn tức là người đặt câu hỏi. Mà người đặt câu hỏi cho người khác phải là người biết hỏi những câu đích đáng để bắt người được phỏng vấn bật ra những câu trả lời đích đáng. Nhưng ở những bài phỏng vấn thì người hỏi và người đáp trực diện nhau và những câu trả lời được đưa ra trực tiếp, cụ thể.
Ở cuốn sách mới này Phan Đăng đặt ra "39 câu hỏi cho người trẻ" là nhằm vào một đối tượng chung, đông đảo và họ không đối diện anh mà đọc trang sách của anh. Mỗi người đọc sẽ là một người nhận câu hỏi và tự trả lời cho chính mình trước hết. Phan Đăng không thu về trực tiếp cho mình câu trả lời của bạn đọc. Hy vọng được hồi đáp của anh là có nhiều bạn đọc sách mình để cùng anh ngẫm những câu hỏi đã đưa ra trong sách và từ đó gợi ra nhiều những câu hỏi khác.
39 CÂU HỎI CHO NGƯỜI TRẺ
Tác giả: Phan Đăng
Nhà xuất bản Kim Đồng, 2021
Số trang: 297 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 3000
Giá bán: 90.000
39 câu hỏi trong sách này là dạng câu hỏi "Tại sao" chia thành năm chương. Chương 1 "Trong não hắt ra" (8 câu) nói về những suy lý trong đầu óc con người. Chương 2 "Ngoài mắt hắt vào" (8 câu) nói về những cái thấy và nghĩ. Chương 3 "Vĩ mô hắt xuống" (8 câu) nói về những sự tâm linh, tín ngưỡng. Chương 4 "Vĩ mộ hắt lên" (6 câu) nói về thế giới tự nhiên trong tương quan với con người. Chương 5 "Ta hắt ta" (9 câu) nói về sự điều khiển bản thân của chính con người. Một số câu hỏi đã được đưa ra bìa sách đập ngay vào mắt khơi gợi bạn đọc: "Tại sao phải hoài nghi?", "Tại sao phải tưởng tượng?", "Tại sao cái ác luôn tồn tại?", "Tại sao phải tôn trọng niềm tin khác mình?". Tại sao và tại sao?
Từ câu hỏi 1 "Tại sao phải "thấy hình" thay vì "thấy tiếng" đến câu hỏi 39 "Tại sao phải biến cảm hứng thành giá trị?", mỗi câu hỏi thực chất là sự luận bàn về một vấn đề. 39 câu hỏi là 39 vấn đề cần suy nghĩ và truy vấn. Phan Đăng đặt ra các câu hỏi và diễn giải, dẫn dắt người đọc theo mình, cùng mình tìm cách trả lời. Những cách trả lời với những câu trả lời khác nhau. Anh đưa ra lập luận của mình, cách trả lời của mình, và để ngỏ cho bạn đọc có những cách trả lời của riêng họ.
Những câu hỏi, vấn đề Phan Đăng nêu ra là những điều người trẻ đang gặp hằng ngày, đang phải đối diện trong hành trình trưởng thành của mình. Lấy thí dụ câu hỏi 15 ở chương 2 "Tại sao mạng xã hội thách thức năng lực sinh học của loài người?" (tr. 113). Phan Đăng mời bạn đọc suy nghĩ một vấn đề toàn cầu: "Rõ ràng, loài người làm ra công nghệ, nhưng sự phát triển của công nghệ đến một lúc nào đó sẽ đặt ra hàng loạt bài toán mới về cách thức sinh tồn của loài người" (tr. 120). Đây không phải chuyện viển vông, không tưởng. Trên thực tế hiện nay nhiều nhà khoa học đã báo động một thảm họa cho hành tinh chúng ta nếu như sự phát triển của AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) bùng nổ đến mức vượt quá tầm kiểm soát của con người.
Cuốn sách của Phan Đăng dành cho người trẻ và được in ở nhà xuất bản Kim Đồng là một định hướng rõ ràng. Văn minh, công nghệ càng phát triển cao, con người càng có nguy cơ bị cuốn hút vào dòng chảy của nó đến vong thân, lạc lối trong tư duy, tình cảm, cảm xúc khi không biết định hình, định hướng mình trong cuộc sống thực sự mang tính người. Những bài viết-câu hỏi của Phan Đăng trong sách này, vì thế, được viết bằng giọng tâm sự, trò chuyện sinh động, hấp dẫn với nhiều kiến thức được thu nạp từ đời sống và sách vở, gần gũi và thấm thía. Bạn đọc không thấy mình bị "dạy dỗ" mà cảm thấy được chia sẻ những nghĩ suy của một người cũng đang nhiều băn khoăn tự hỏi như mình. Câu hỏi tác giả đặt ra cho mình và cho bạn thường khi là ở câu chốt lại cuối mỗi bài.
Nhưng nói sách dành cho người trẻ không có nghĩa chỉ người trẻ mới đọc. Vì con người ở bất kỳ lứa tuổi nào và làm nghề gì đều cần phải biết tự mình tìm câu hỏi cho mình và cho người. Trong cuộc sống cũng như trong khoa học, người biết đặt câu hỏi là người biết tư duy. Câu hỏi quan trọng hơn câu trả lời, vì câu hỏi sẽ chỉ có khi con người thấy ra vấn đề cần hỏi, và khi đã có vấn đề thì trước sau con người sẽ tìm được câu trả lời cho những vấn đề đó. Người biết hỏi với nhiều dạng câu hỏi khác nhau là người đã biết trưởng thành.
Một nhà nghiên cứu văn học đã viết: "Chúng ta là những cây sậy biết tư duy nếu chúng ta biết đặt những câu hỏi "là gì" (what); là những con người văn minh nếu biết đặt câu hỏi "tại sao" (why); và là những con người hiện đại nếu biết đặt câu hỏi "như thế nào" (how). Nhưng chúng ta chỉ thực sự là những người tự do nếu chúng ta biết và được quyền đặt câu hỏi "tại sao không" (why not)."
Quan trọng hơn từ đây bạn có thể tự mình làm người biết đặt câu hỏi. Nhân loại phát triển đã có Homo Sapiens (Người nghĩ), Homo Faber (Người làm), Homo Ludens (Người chơi) và có cả Homo Interrogaticus (Người hỏi). Gần đây nhất có thêm Homo Interneticus (Người mạng).
Bạn đọc cuốn sách này của Phan Đăng có thể nêu một câu hỏi cho tác giả "Tại sao là 39 câu hỏi?" Con số này ngẫu nhiên hay có một ý nghĩa nào đó. Nhưng được biết Phan Đăng sẽ còn viết tiếp những câu hỏi nữa của mình gửi tới bạn đọc. Chúng ta sẽ cùng chờ đọc và hỏi. Biết hỏi là biết trả lời.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 18/8/2021
No comments