Nhạc sĩ Ngọc Khuê: Có một bóng hồng phía sau ca khúc "Mùa xuân, làng lúa, làng hoa"
Thưa nhạc sĩ Ngọc Khuê, ca khúc Mùa xuân, làng lúa, làng hoa luôn được đánh giá là một trong những bài hát hay nhất về đề tài nông nghiệp. Hình như hồi đó ông viết để tặng một cô bạn gái?
- (Cười lớn). Đúng vậy! Đằng sau mỗi bài hát luôn có một bóng hồng, bóng hồng này có thể là thật, có thể là trong mơ. Riêng bài này, tôi thừa nhận có một bóng hồng thật nhưng giữa chúng tôi chỉ là ở mức tình bạn. Bởi khi sáng tác ca khúc này (mùa xuân năm 1981 - PV), tôi đã có vợ và con ở quê nhà. Hiện, vợ tôi và cô ấy vẫn rất thân thiết, hai nhà chúng tôi như người một nhà.
Về bài hát này, tôi cũng nói nhiều rồi nhưng hôm nay thông qua báo Dân Việt, cơ quan đại diện cho tiếng nói của người nông dân, tôi chỉ muốn kể một câu chuyện nhỏ như này. Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng, có bạn bè nói với tôi những năm đó ta đang đói kém, cơm không đủ ăn, lấy bo bo, khoai sắn cho đầy bữa, chắc là vì thế nên ông mới "gào" lên rằng: "Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng…".
Thì đúng là thế mà, âm nhạc luôn hướng đến tương lai, hướng đến điều tốt đẹp. Đó chính là mong ước, là tiêu chí của chúng ta, đặt biệt là của người nông dân cả nước nói chung, ở những vùng ngoại thành Hà Nội nói riêng.
Sinh ra ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, chắn hẳn trong ông ký ức về quê hương luôn dạt dào, sâu lắng để sáng tác những giai điệu đẹp về đề tài nông thôn, nông nghiệp và nông dân?
- Mặc dù gia đình tôi không làm nông nghiệp, nhưng mùa hè nào cũng vậy, tôi đều tham gia với bà con lối xóm ra đồng, xuống bãi để gặt lúa, cuốc đất trồng rau, trồng mía… Nông thôn và nông nghiệp đã gắn bó với tôi suốt cả một thời thơ bé cho đến khi tôi nhập ngũ vào bộ đội. Chính vì vậy, rất nhiều ca khúc tôi đã viết về nông thôn, nông nghiệp và người nông dân…
Ca khúc "Đất và Mẹ" (phổ thơ Hà Linh) đã vinh dự được giải Nhất cuộc thi sáng tác về Nông nghiệp, nông thôn và người nông dân năm 2010 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức. Nguyên tác bài thơ có tựa đề "Chữ ký của Mẹ", sau khi bàn với nhà thơ, tôi đã chuyển ý thành "Đất và Mẹ".
"Mẹ đi cấy, ký tên mình vào đất
Từng giọt trăng lặng lẽ nhỏ xuống bùn…
…Mẹ trang thóc, ký tên mình vào sân
Dọc rồi ngang, những dấu cộng dấu trừ…"
Đọc những câu thơ ấy, tự nhiên tôi thấy chững lại, để nhìn lại, nhìn kỹ vào hình ảnh của người mẹ khi đi cấy, khi gặt lúa về mẹ trang thóc dưới nắng hè chói chang…
Hay ca khúc "Đây là quê hương của tôi":
"Mảnh đất quê hương ai đã xa rồi
Lòng nhớ khôn nguôi những chiều vời vợi.
Ngày ấy tôi đi mẹ mong nhớ hoài
Mẹ ngóng tin con đầy năm tháng dài…"
Mảnh đấy quê hương gần gũi như thế đó:
…Những chiều lá khúc mơn mởn trên tay
Những chiều núp bóng đê làng đi học…"
Người nông dân quê tôi không chỉ cấy lúa, trồng khoai, mà còn trồng dâu nuôi tằm, kéo kén:
"Đón anh về quê em thăm vùng dâu xanh bãi, nong kén chín tơ vàng, anh ngỡ rối tơ lòng…" (Hoài Đức một miền xanh)
Rồi đến "Ra sông giặt áo cho chồng" (Thơ Hồ Anh Tuấn) là kể về một người phụ nữ đã có chồng hy sinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày ngày lam lũ trên cánh đồng quê hương, tối về lại đem quần áo cũ của chồng đem giặt trên con sông quê hương:
"Áo đạn xé, người đâu lành
Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng…
…Súng gươm một trận khóc cười
Gái quê buồn thả sông trôi se lòng
Ra sông giặt áo cho chồng, vắt vai cả một dòng sông mang về…"
Sáng tác rất nhiều về đề tài nông thôn, có khi nào ông viết tặng riêng cho quê hương xã Yên Sở, huyện Hoài Đức của mình một bài hát?
- Năm 2012, tôi vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với chùm ba tác phẩm: Mùa xuân, làng lúa, làng hoa; Hạt nắng hạt mưa và Tình yêu với người chiến sĩ. Được sự nhất trí của địa phương, tôi đã tổ chức một đêm nhạc với ý nghĩa tri ân bà con quê nhà, mời Đoàn Văn công Phòng không – Không quân dàn dựng một chương trình nghệ thuật mang tên Tiếng hát làng Dừa.
Hồi đó, quê tôi là một trong những xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Tôi đã viết tặng quê hương tôi 2 ca khúc: Làng Dừa bản tình ca màu xanh, Bài ca xây dựng Nông thôn mới và được Đoàn Văn công Phòng không - Không quân kịp thời dàn dựng biểu diễn ngay trong đêm nhạc đó.
Có lẽ mình được sinh ra tại một vùng quê, được gần gũi, giao lưu, san sẻ tình cảm yêu thương với những người nông dân quê mình, nên tôi đã viết được:
"Ta yêu cánh đồng làng ta, nơi nuôi ta bằng hạt lúa
Ta yêu cánh bãi quê ta cho màu xanh hiền hòa…
Và chính là để "Làm giàu cho quê hương, làm giàu cho đất nước…". Nhưng điều cốt yếu tôi muốn nói: "Cùng làm cho người nông dân yêu thiết tha quê hương mình". Chỉ có tình yêu quê hương, muốn gắn chặt cả cuộc đời mình với quê hương, với ruộng vườn thì mới có thể xây dựng được quê hương, làm giàu cho người nông dân, cho gia đình, cho đất nước thân yêu của mình!
Đó là ca khúc tôi viết tặng quê hương tôi, nhưng sau đó, và cho đến tận bây giờ, ca khúc đã được trình diễn ở rất nhiều nơi, từ Trung ương đến các địa phương, tỉnh, thành, huyện, xã, thôn, phường… đến các đài truyền hình, phát thanh và các phương tiện thông tin truyền thông khác, đặc biệt có rất nhiều video clip của bài hát này trên YouTube.
Ca khúc "Mùa xuân làng lúa làng hoa" của nhạc sĩ Ngọc Khuê do ca sĩ Anh Thơ thể hiện. (Clip: YouTube Anh Thơ)
Sáng tác nhiều bài hát về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông cảm nhận đề tài này đã được sự quan tâm của giới nhạc sĩ như thế nào?
- Thành thật mà nói hiện nay, đề tài này vẫn chưa được quan tâm cho lắm thì phải. Các nhạc sĩ trẻ đa phần viết những ca khúc về tình yêu đôi lứa, bởi đối tượng họ hướng đến là những người trẻ, những khán giả trung thành của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Còn với người nông dân, đa phần họ vẫn nghe những bài hát của các thế hệ trước. Một phần là vì những bài hát ấy rất hay, ý nghĩa, ăn vào máu thịt của họ. Một phần là vì các bài hát mới về đề tài này chưa có nhiều, hoặc có nhiều nhưng chưa hay, chưa được các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá.
Nếu các bạn không tin thì có thể về các làng quê mà xem, trên loa phát thanh xã ngày ngày vẫn vang vọng những ca khúc, như: Hát về cây lúa hôm nay; Người đi xây hồ Kẻ Gỗ; Bài ca năm tấn; Tình cây và đất; Làng quan họ quê tôi; Hạt gạo làng ta… và cả bài hát Mùa xuân làng lúa, làng hoa; Bài ca xây dựng nông thôn mới của tôi nữa.
Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!
Ở tuổi 77, nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn rất sung sức khi liên tục cho ra mắt những sáng tác âm nhạc. Mới đây, ông và người vợ của mình còn lên tận Điện Biên để nhận giải cuộc thi sáng tác "Bài ca Điện Biên" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhân dịp 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).
No comments