Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi cứ thấy mình vẫn còn "nợ" anh em điều gì đó
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên mới được nâng cấp, mở rộng với quy mô hơn 10ha và hiện mang diện mạo mới với dáng dấp của một công viên, tựa lưng vào chập chùng núi đá. Các phần mộ liệt sĩ đều được lát đá trang trọng, có hoa và cờ Tổ quốc. Nhiều năm gần đây, vào tháng 7, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang lại tổ chức lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Hàng nghìn ngọn nến đã được thắp sáng lung linh, sưởi ấm linh hồn những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc, khép lại cuộc đời ở tuổi thanh xuân đẹp nhất.
Thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải, nhiều năm nay, nhiều người đã quá quen thuộc với hình ảnh người lính ôm cây đàn ghi-ta hát "Về đây đồng đội ơi" ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Bài hát đã làm rớt nước mắt biết bao người. Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 năm nay, anh có dự định như thế nào?
- Không chỉ riêng tôi, những anh em đồng đội của tôi từng chiến đấu ở Hà Giang đều coi nơi đây là quê hương thứ 2 của mình. Mảnh đất này không chỉ là quê hương của những người còn sống, mà còn là miền quê vĩnh viễn của những đồng đội đã hy sinh. Vì vậy, khi có dịp, chúng tôi luôn trở về.
Năm nay tôi có nhiều việc nên chưa có dịp lên Vị Xuyên trong dịp tháng 7 này. Nhưng trước đó, hồi tháng 3 vừa qua, tôi đã có chuyến lên Hà Giang với anh em và dự định cuối năm sẽ đi một chuyến nữa. Tôi đến thăm các anh em trong đơn vị ngày xưa và những đồng đội đã ngã xuống. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng lần nào hát với anh em đồng đội, tôi đều có những cảm xúc khó tả.
Anh thấy Hà Giang nơi anh đóng quân ngày xưa giờ đã thay đổi như thế nào?
- Thay đổi rất nhiều. Trước hết cuộc sống của người dân cải thiện đáng kể, đồng bào làm du lịch rất tốt, đó là tín hiệu đáng mừng. Tôi có dịp được trao đổi với các lãnh đạo tỉnh, các anh cũng có định hướng rất hay. Một là giữ lại bằng được khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hai là không tăng giá dịch vụ. Hai điều đó giản dị mà nghe rất quý. Du lịch Hà Giang phát triển rất tốt, nhất là du khách nước ngoài đến nhiều. Những anh em cùng đơn vị với tôi có kể, vào mùa cao điểm du lịch, các khách sạn, homestay cũng kín phòng.
Anh từng nói rằng "với tôi, quãng đời đẹp nhất là ở Hà Giang". Vì sao lại như vậy, vì như tôi hiểu, đó là nơi chiến trường rất khốc liệt?
- Không phải tôi nói mà anh em nói chuyện với nhau đều bày tỏ như vậy, rằng quãng đời đẹp nhất, khoảng thời gian đáng nhớ nhất đều nằm lại ở đó. Có thể vì lúc đó chúng tôi có tuổi trẻ và những kỷ niệm mạnh mẽ, sâu sắc nhất cuộc đời đều gắn bó ở mảnh đất đó. Tôi nhớ nhất kỷ niệm về tình đồng chí. Cho đến bây giờ, khi đã lớn tuổi, gặp nhau chúng tôi vẫn cười nói như thuở thanh niên vậy. Và đặc biệt, chúng tôi luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Trong một cuộc trò chuyện của tôi với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, ông có kể rằng trong cuộc chiến biên giới phía Bắc, có những đợt, chỉ trong 3 ngày, Trung Quốc đã bắn hơn 100.000 quả đạn pháo vào khu vực Vị Xuyên tới TP.Hà Giang. Ác liệt đến mức mà anh em gọi đây là "Lò vôi thế kỷ", có những thế trận, địch ở trên cao, ta ở dưới thấp, chỉ cách nhau 30-40m... Nếu như bây giờ những người làm báo chúng tôi, những nhạc sĩ như anh không viết về điều ấy, nhiều bạn trẻ sẽ không thể hình dung ra chiến tranh khốc liệt như thế nào. Anh gửi gắm những điều gì trong ca khúc của mình?
- Thực ra tôi cũng không có ý định rõ ràng lắm đâu. Những bài hát tôi viết ra thường là tâm sự của mình, của đồng đội mình, có thể lẫn lộn giữa người sống và người hy sinh. Tôi không phân định rõ mục tiêu của bài hát là gì cả.
Bài hát đầu tiên tôi viết ở mặt trận, ngay khi cuộc chiến diễn ra. Thế nhưng sau đó trở về đi học, rồi có những bươn chải riêng, công việc sáng tác không diễn ra được thường xuyên. Cho đến khi có tuổi, những hồi ức tuổi trẻ bỗng nhiên sống dậy, mạch viết của tôi lại tiếp tục, tôi sáng tác các ca khúc như "Về đây đồng đội ơi", "Hát cho người còn sống"… Tôi nghĩ rằng những ca khúc này tôi không viết cho riêng đồng đội ở Vị Xuyên mà viết cho đồng đội ở cả 3 mặt trận, không nói riêng một mặt trận nào.
Đó là mặt trận Tây Nam khi giặc Pôn Pốt tràn sang xâm lấn giết hại đồng bào; mặt trận phía Bắc là Chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 và mặt trận biển đảo là trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Vậy nên tôi không viết riêng cho Vị Xuyên mà viết cho các thế hệ đồng đội cùng tham gia giữ gìn Tổ quốc ở khắp các mặt trận.
Tôi nhớ có lần gặp một anh bạn, anh ấy nói: "Tôi tham gia mặt trận Vị Xuyên với ông, ông viết bài nào tôi thuộc hết bài ấy. Thế nhưng tôi đánh cả ở Vị Xuyên, cả ở Tây Nam… Vị Xuyên cũng đau thương mất mát, có nhiều anh em chưa tìm được hài cốt, nhưng dù thế nào anh em cũng được hy sinh trên đất mẹ. Còn ở mặt trận Tây Nam, giờ rất nhiều anh em không biết thân xác thế nào".
Anh ấy tâm sự: "Hải cố gắng viết về những anh em đã chiến đấu ở mặt trận Tây Nam. Cố gắng làm sao trước khi tôi nhắm mắt được nghe bài hát ấy". Khi đó tôi hứa với anh là sẽ viết, tôi nghĩ đến hình ảnh những người con trở về đất mẹ nhưng họ sẽ trở về thế nào. Tôi cứ hình dung anh ấy kể những trận đánh ở Tây Nam khi mà thất lạc đội hình, bộ đội phải ẩn mình trong những cánh rừng thốt nốt, chờ đêm qua để đợi đến sáng nhìn về hướng núi Bà Đen lần mò tìm về đơn vị.
Có người lính tìm về được và có người vĩnh viễn không trở về. Tôi hình dung từ phía Tây về đất mẹ Việt Nam thì có 2 thứ là nắng và phù sa. Đó là chất liệu tôi viết nên bài "Bóng chiều Tây Nam". Nắng chiếu xiên như những cánh tay của người con muốn được chạm vào đất mẹ. Còn phù sa thì có lẽ trong đó cũng có thân xác của những anh em hy sinh, đã hòa vào dòng Mê Kông về báo hiếu cho đất mẹ.
Nhưng khi viết "Bóng chiều Tây Nam", tôi không thể không nghĩ đến trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là trận chiến Gạc Ma khi những người lính tay không giữ đất. 64 người lính đã hy sinh. Anh em không có gì ngoài tay không, bên kia là tầng tầng lớp lớp tàu chiến, hỏa lực, quân số áp đảo. Trận chiến bất cân xứng này đã để lại hình ảnh lẫm liệt nhất của người lính tạo nên vòng tròn bất tử.
Đất nước chúng ta có 3 thế hệ cầm súng, một thế hệ giành độc lập kháng chiến chống Pháp, thế hệ thống nhất non sông là kháng chiến chống Mỹ, và thế hệ thứ 3 là gìn giữ biên cương Tổ quốc. Có biết bao con người đã ngã xuống. Nên tháng 7 là tháng đặc biệt với người lính còn sống vì họ nhớ đến đồng đội cùng đơn vị, nhớ đến mặt trận và nhớ đến đồng đội cùng thế hệ. Sau này tôi cũng nghĩ, đời người lính có 2 mùa, tháng 7 là mùa tri ân, còn mùa có nhiều tâm trạng nhất lại là mùa xuân. Lính đi xa nhớ nhà lắm, và quê nhà cũng nhớ họ lắm. Nhưng họ có được trở về không? Vậy nên tôi đã viết bài "Đàn én" để tri ân những người con của quê hương đã hy sinh, đến mùa xuân lại mong mỏi trở về.
Anh từng kể là người trực tiếp vác đạn, chiến đấu, chăm sóc thương binh, làm công tác sĩ tử và chôn cất đồng đội hy sinh. Ký ức đó có lẽ cực kỳ ám ảnh, vậy mỗi lần nghe tin đồng đội hy sinh, anh làm thế nào để vượt qua điều đó?
- Hồi đó tôi xin xuống đơn vị chiến đấu nhưng chỉ huy không đồng ý. Tôi sang hỗ trợ đơn vị phục vụ chiến đấu chủ yếu vác đạn, hỗ trợ thương binh và tử sĩ. Đứng ở vị trí của mình chứng kiến nhiều anh em hy sinh, cảm giác ban đầu chống chếnh và hụt hẫng, nôn nao. Có gì đó lạ lắm khó diễn tả thành lời. Sau đó không phải chỉ vài chục người mà lên đến hàng trăm, lúc đó cảm xúc thành quặn thắt, có đêm ngẩn người ra vì hồi ức trở lại. Anh em hy sinh có phải toàn thây đâu, nhiều hình hài lắm vì bị pháo bằm, thân thể không toàn vẹn. Nếu ai đã từng chôn cất đồng đội chắc cùng chung suy nghĩ khó quên với tôi như vậy.
"Hà Giang đã ngưng chiến trận/ Về đây đồng đội ơi". Có người đã trở về, nhưng có rất người đã nằm lại nơi biên cương. Nhiều năm qua anh có tham gia công tác tìm kiếm đồng đội và các anh gặp những khó khăn như thế nào?
- Đơn vị tôi có nhóm anh em tham gia công tác tìm kiếm đồng đội, tôi không tham gia nhóm đó nhưng có trao đổi thông tin với anh em. Các anh em ban đầu về tìm anh Thanh – Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 3 và sau đó xuất hiện ý tưởng sẽ làm một đài hương cho những người chưa tìm được hài cốt. Từ đó mới ra đời Đài hương tưởng niệm 468. Tôi viết "Về đây đồng đội ơi" vào một ngày tháng 3 năm 2014, dịp 100 ngày Đài hương 468. Tôi viết xong mà bản thảo nhiều chỗ bị nhoè bởi nước mắt.
Còn công việc quy tập hài cốt đồng đội thì có một số ít anh em đã tham gia nhưng bây giờ có hẳn một đội tìm hài cốt của Tỉnh đội Hà Giang. Họ đang làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ rất chuyên nghiệp.
Cũng có người lính chia sẻ với tôi rằng, trải qua các trận chiến vào sinh ra tử, cái chết không làm họ chùn bước. Nhưng họ sợ "những quyến rũ thầm lặng" của thời bình, sợ sự thay đổi của lòng người. Có khi nào anh có tâm tư như vậy không?
- Tôi không nghĩ nhiều đến việc đó vì ai cũng vậy thôi. Với người lính chúng tôi, khi đơn vị giải thể mỗi người trở về với cuộc sống đời thường, bươn chải mưu sinh bát cơm manh áo. Có người có điều kiện phát triển sự nghiệp, còn phần lớn anh em là người lao động. Nếu giờ bạn đi dọc ven sông Kim Ngưu (Hà Nội), gặp nhiều anh em phần lớn từng chiến đấu ở Vị Xuyên, họ bươn chải cuộc sống mưu sinh cũng vất vả. Nhưng họ cũng lạc quan và yêu đời lắm, cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng chưa thấy anh em nào than vãn về cuộc đời, gặp nhau lại cười nói bô lô ba la.
Đồng đội chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau và nhắc lại kỉ niệm xưa, cũng không thấy anh em than vãn hay chê trách cuộc sống ngày hôm nay. Đấy là nét đời thực của lính chiến, còn đâu đó chỗ này chỗ kia, có vấn đề này vấn đề kia thì tôi chưa được gặp.
Tôi nhớ một lần đi hát cùng anh em thương binh ở Sơn La, 5 anh em chúng tôi lên hát, người làm âm thanh họ chuẩn bị 5 micro, anh em tôi bảo chỉ cần 4 thôi. Họ hỏi tại sao, chúng tôi mới cười tếu táo nói rằng số lượng chân tay không đủ. Thì đúng như thế thật. Đến lúc đó họ vẫn đùa tếu táo, vẫn vui. (cười).
Trong kho tàng âm nhạc của mình, anh dành bao nhiêu % viết về chiến tranh và người lính?
- Tôi cứ thấy mình vẫn còn "nợ" anh em điều gì đó. Tôi không nhớ chính xác được và cũng chưa có lần nào tổng kết như vậy cả. Cứ để tự nhiên thôi.
Hôm trước tôi viết bài "Chiến binh số" từ ý tưởng của một đồng đội. Anh ấy có nói thế hệ trẻ bây giờ trên tay không phải cây súng mà trên tay là bàn phím, họ cũng có nhiệm vụ chuyển đổi số làm giàu cho Tổ quốc. Những điều đó cũng rất hay. Cuộc chiến không phải chỉ ở thế hệ trước mà truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tôi nghĩ rằng thế hệ trẻ hiện nay cũng rất quan tâm tới các cuộc chiến tranh, họ không thờ ơ. Điển hình như các clip làm về trận chiến, số lượng view vượt trội so với clip về các ngôi sao trong làng giải trí. Giới trẻ tiếp cận và đón nhận lịch sử theo cách nhìn khác, theo cách của họ. Còn trách nhiệm vưới đất nước thì thời nào cũng giống nhau.
Khi viết bài "Chiến binh số", cảm xúc đến tự nhiên và tôi cảm thấy cuộc đời may mắn vì ban đầu là lính và đến giờ cũng là lính ở "mặt trận số". Thuở còn trẻ được cùng anh em xông pha chiến trường, đến giờ lại được cùng anh em đồng đội thế hệ mới trong trận chiến mới đầy cam go, thách thức.
Ngày anh em dò đá qua sông, mông lung hình hài con đường,
Hành trình số tựa bè tre nứa lênh đênh đại dương, lênh đênh tìm phương đón hướng, lênh đênh sóng gió thương trường
Công nghệ thông tin khát vọng nước Nam
Nén chặt tâm can và hôm nay rền bước trên vai tương lai sải rộng chân trời
Chuyển đổi số hành trình phơi phới hướng đến con người...
(Trích lời bài hát Chiến binh số)
Theo anh đặc điểm rõ nét nhất của "chiến binh" thời công nghệ số là gì?
- Thứ nhất, họ bám mục tiêu, nhiệm vụ như bám chốt, thực hiện bằng được mục tiêu, cũng chiến đấu đến cùng.
Thứ 2 nữa là sức sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Kể cả từ xưa đến nay, nếu ta cân các điều kiện tác chiến của chúng ta với các đối thủ thì không bao giờ hơn được họ về khí tài. Nhưng tại sao chúng ta vẫn là người chiến thắng? Bởi người lính phải kiên cường, anh dũng, bản lĩnh, trí tuệ. Và thế hệ trẻ giờ cũng thế. Để có được những hợp đồng lớn thì so với đối thủ, họ hơn chúng ta nhiều phương diện, nhưng ta vẫn chiến thắng.
"Mặt trận số" không có tiếng súng, rất áp lực và khốc liệt. So với nền công nghệ thế giới thì chúng ta giành thứ bậc khá cao. Có trận chiến chúng ta "chiến" sòng phẳng với các ông lớn trong làng công nghệ thế giới và chúng ta thắng hợp đồng lớn hàng chục, hàng trăm triệu đô.
Thế hệ bây giờ họ vẫn kế thừa tinh thần của các thế hệ đi trước, nhưng dưới một hình thức chiến đấu khác, phương thức tác chiến khác.
Anh đang nói về "chiến binh số" ở FPT - Tập đoàn công nghệ nơi anh đang làm việc nói riêng hay đất nước nói chung?
- Không riêng gì FPT đâu mà mặt trận số nói chung của đất nước, phẩm chất chung của anh em làm trong công nghệ số giống nhau lắm. Rất quyết liệt. Tất nhiên FPT có lợi thế được coi là cánh chim lớn, một đại quân nhưng cũng có những anh em ở đơn vị nhỏ hơn nhưng cuộc chiến đấu của họ cũng ngoạn mục. Phẩm chất chung của dân công nghệ số na ná nhau, sống thật và đơn giản, không màu mè.
Công việc của anh ở FPT như thế nào? Anh thường có nhiều hoạt động bên ngoài để tri ân đồng đội đã hy sinh, không biết lãnh đạo ở FPT đã hỗ trợ anh thế nào?
- Tôi có may mắn khi được làm việc tại FPT. Ban đầu không nghĩ lại hay đến vậy, càng ở thì càng hay. Khi mới về được anh Trương Gia Bình giao cho công tác làm văn hóa tinh thần. Ban đầu tôi làm công tác quản lý, sau đó tôi được nghỉ công tác quản lý tập trung cho sáng tác. Có lẽ chỉ ở FPT mới thế. Tôi nghỉ công tác quản lý từ năm 2009 đến nay đã 15 năm. Ở FPT tôi không phải làm gì cả, chỉ việc sáng tác, mà không phải sáng tác riêng cho FPT đâu.
Từ anh Bình, anh Ngọc, anh Nam, anh Châu, anh Bảo (các thế hệ lãnh đạo - PV)… đều động viên tôi sáng tác. Nếu không có FPT thì có lẽ "Bản trường ca người Việt Nam" cũng sẽ không ra đời. Tôi hoàn thành nó vào năm 2010. Nếu không có FPT cũng sẽ không ra đời bản trường ca đó, hoặc nếu có thì sẽ đi theo hướng khác. Các anh động viên tôi đừng nghỉ, cứ đến FPT mà sáng tác. Ở FPT đến giờ phút này tôi vẫn làm công tác văn hóa nhưng công việc chính của tôi vẫn là sáng tác. Hiện tại tôi có cuộc sống thú vị, được làm những gì mình thích.
Cái khó của người làm sáng tác là cảm hứng, vậy anh thường tìm cảm hứng sáng tác như thế nào?
- Thường do những thực tiễn cuộc sống va đập, nảy sinh những vấn đề có thể viết được. Nhưng cái tứ của vấn đề cũng có thể do… ăn may. Ví dụ như ý tưởng bài "Chiến binh số" nảy sinh từ suy nghĩ về thế hệ trẻ bây giờ trên tay không phải cây súng mà trên tay là bàn phím.
Đối với người làm nghệ thuật, sáng tạo có đi cùng với kỷ luật không?
- Nó chỉ khác biệt ở chỗ kỷ luật tự mình đặt ra cho mình và mình thực hiện trách nhiệm với điều đó. Khi cảm xúc đủ chín, mình viết nên bài hát và kèm theo đó là tính kỷ luật làm sao để mỗi bài hát ra đời được đón nhận và có đóng góp cho cuộc đời.
Một người nhạc sĩ, làm thế nào để tạo được sự khác biệt, để những sáng tác của mình không bị chìm khuất trong vô vàn những nhạc sĩ khác?
- Hồi đầu tôi cũng đi tìm, cố tạo sự khác biệt nhưng không được. Sau viết nhiều thành quen, đi theo mạch cảm xúc của mình. Tôi cũng may mắn vì hồi bé học violin và cổ điển nên khó tính trong giai điệu, sau này khi sáng tác, tôi có pha hưởng giai điệu dân ca trong sáng tác của mình. Viết nhiều thành quen, mỗi ca khúc lại mang âm hưởng đó một cách tự nhiên và tạo nên phong cách của mình.
Anh đang ấp ủ điều gì?
- Có điều kiện tôi sẽ dựng lại "Trường ca người Việt Nam" nhưng chắc khó vì điều kiện dựng giờ không dễ. Tôi đã mất 12 năm để hoàn thành trường ca. Trong đó đã vận dụng ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam như chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, dân ca miền Trung...Trong chương hai tôi dùng dân ca Nam Trung Bộ làm nền cho âm hưởng hào hùng của cuộc tế sống anh linh những người lính Hoàng Sa...
Trước đây FPT có dựng và hát, nhưng nếu làm chuyên nghiệp hơn thì rất tốt. Tôi vẫn thích sáng tác những tác phẩm nhạc không lời, không phải tác phẩm giao hưởng lớn, ở đó có âm hưởng các vùng miền, các đoạn ngắn đi vào đời sống dễ hơn, dễ nghe và tiếp cận hơn. Trước đây đã làm nhưng dang dở, khi rảnh rỗi có lẽ tôi sẽ trở lại với công việc đó.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
No comments