NSND Xuân Bắc, Lan Hương khóc nghẹn khi tiễn biệt Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga
Sáng nay (19/7), gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đã có mặt từ rất sớm tại Nhà tang lễ Bệnh viện TWQĐ 108 (số 5 phố Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn đưa Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong lễ tang của Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga, bản nhạc không lời "Khúc mùa Thu" của cố nhạc sĩ Phú Quang (phổ thơ Hồng Thanh Quang) đã được phát thay cho bản "Hồn tử sĩ". Đây là bản nhạc mà lúc sinh thời nữ nghệ sĩ rất yêu thích nghe. BTC lễ tang cũng đã chuẩn bị sẵn hoa hồng đỏ để mọi người mang vào nhà tang lễ đặt bên lĩnh cữu người quá cố.
Trong lễ truy điệu, Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã thay mặt tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam – nơi Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga đã dành trọn thanh xuân (26 năm) để cháy hết mình với đam mê sân khấu, đam mê diễn xuất đọc điếu văn. Trước đó, nam nghệ sĩ cho Dân Việt biết, anh đã khóc không biết bao nhiêu lần khi cùng lãnh đạo Nhà hát soạn và chỉnh sửa bản điếu văn này. Những kỷ niệm ngày xưa, khi anh chị em cùng "đồng cam cộng khổ", dốc hết sức, trút hết lực… để dựng vở diễn, mang vở diễn đi lưu diễn ở nhiều nơi ùa về.
Điếu văn có đoạn: "Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tình yêu mãnh liệt với nghề diễn, chị đã dành trọn cuộc đời mình cho sân khấu, cho màn ảnh. Chị tốt nghiệp Lớp Diễn viên Sân khấu và Điện ảnh năm 1998, tốt nghiệp lớp Đạo diễn Sân khấu năm 2018 tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Từ năm 1998 cho đến nay, chị là diễn viên thuộc Đoàn Kịch Cổ điển – Nhà hát Kịch Việt Nam.
Các nghệ sĩ khóc nghẹn khi vòng quanh linh cữu, nhìn mặt Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga lần cuối. Ảnh: Khổng Chí
Với vị trí là diễn viên, trong 26 năm công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga đã tham gia rất nhiều vở diễn, hóa thân vào hàng chục nhân vật khác nhau, nhiều vai diễn mà chị thể hiện đã đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các Hội diễn, Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp.
Trên cương vị Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga đã dàn dựng kịch ngắn "Bác Hồ và mùa xuân năm ấy" - vở diễn đã được đánh giá rất cao của giới chuyên môn và anh em bạn nghề, được lựa chọn là tiết mục biểu diễn trong rất nhiều chương trình chính trị quan trọng. Ngoài ra, chị cũng là Đạo diễn hướng dẫn, huấn luyện nhiều diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Kịch nói toàn quốc và có nhiều diễn viên đã đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.
Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga là một tài năng không chỉ riêng của Nhà hát Kịch Việt Nam mà là một tài năng của sân khấu. Chị là một tấm gương sáng đối với các đồng nghiệp bởi niềm say mê, hết mình với công việc.
Nghệ sĩ Chiều Xuân, Trung Anh, Xuân Bắc lặng người khi tiễn biệt Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga. Ảnh: Khổng Chí
Những khán giả yêu mến các vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam chắc chắn không thể quên được một Phương Nga "Mê-đê" khiến người xem đầy phẫn nộ; một Phương Nga trong "Trung tá Hà" khiến khán giả phải cảm thương; một Phương Nga "Giectrut" khiến khán giả phải ghét bỏ… nhưng cũng có một Phương Nga trong "Mẹ Muộn" đã làm cho khán giả không cầm được những dòng nước mắt xót xa.
Trong bất kỳ một vai diễn nào, công việc nào, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga cũng luôn tận tâm, nhiệt huyết, nụ cười luôn ở trên môi và tràn đầy năng lượng. Ngay cả những lúc ốm đau, chị cũng mạnh mẽ, người luôn làm bừng sáng các buổi tập bởi niềm đam mê, tài năng, tính hài hước, nụ cười toả nắng. Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga như con tằm rút ruột nhả tơ và luôn tâm niệm sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam chính là ngôi nhà thứ hai, và sân khấu thực sự là thánh đường, là nơi chị được sống trong nhiều hoàn cảnh, số phận nhân vật. Sân khấu là nơi chị thỏa chí bay bổng với sáng tạo của người nghệ sĩ. Sân khấu là nơi Bùi Phương Nga tỏa sáng".
Nhiều nghệ sĩ khóc nghẹn khi đến tiễn biệt Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga
Trong mắt của lãnh đạo và tập thể Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga là một người sống bản lĩnh, mạnh mẽ, kiên cường… Trong chị luôn đầy ắp những khao khát, tự tin… chị luôn tin có một ngày mình sẽ khỏi bệnh.
"Nhưng quá bất công, điều kỳ diệu đó đã không thành hiện thực. Bùi Phương Nga ra đi trong khi tuổi đời còn trẻ, khi tuổi nghề đương độ đỉnh cao, khi sự nghiệp vẫn còn đang dang dở. Chị ra đi để lại hai con trai lớn nhưng chưa khôn; để lại cho đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch Việt Nam một nỗi nhớ, nỗi tiếc thương vô hạn, không biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai.
Trong giờ phút này, trong căn phòng này, khoảng cách bỗng trở thành xa xôi vời vợi. Cảm giác lúc này đây sao thật nuối tiếc xót xa. Chúng tôi làm sao quên được hình ảnh của một Bùi Phương Nga luôn yêu đời, lạc quan, đón nhận bệnh tật một cách bình thản, kiên cường. Quên làm sao được mới năm trước thôi, Bùi Phương Nga vẫn còn cùng anh em nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đi biểu diễn tại Gwangju - Hàn Quốc, vẫn đi biểu diễn phục vụ khán giả, bà con kiều bào ở Lào và Thái Lan…
Những khán giả yêu quý của Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ thấy Bùi Phương Nga hóa thân vào mẹ Muộn đầy cảm xúc; khán giả trầm trồ khen ngợi và vỗ tay không dứt về vai diễn của Nga mà đâu biết Nga đã phải nén từng cơn đau thấu trời qua từng lời thoại. Khán giả chỉ thấy Bùi Phương Nga tươi xinh, duyên dáng trong tà áo dài truyền thống trong những đêm giao lưu đầy ý nghĩa tại Lào, Thái Lan mà đâu biết rằng, phía sau mái tóc giả bồng bềnh kia là một mái đầu bị trọc, bởi những sợi tóc thật đã rơi rụng hết sau những đợt hóa trị dài ngày. Khi chúng tôi ái ngại thì luôn nhận được lời nói của Nga: "Em không sao, em muốn được diễn. Hãy cho em diễn…"
Trong những ngày bệnh trở nặng, phải nằm trên giường bệnh, nhưng mỗi khi thấy ai đến thăm, ánh mắt Bùi Phương Nga vẫn sáng bừng lên đầy hy vọng. Hy vọng một ngày mai khỏi bệnh, sẽ được quay lại với sàn tập, với sân khấu, với đồng nghiệp ở Nhà hát Kịch Việt Nam, nhưng…
Than ôi! Dẫu biết rằng cuộc đời có tử biệt – sinh ly, nhưng sự ra đi của Bùi Phương Nga là một mất mát lớn đối với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Các con chị mất đi một người mẹ - một chỗ dựa tinh thần, một bàn tay chăm sóc của tình mẫu tử; họ hàng mất đi một người con hiếu thảo, chỉn chu. Nhà hát Kịch Việt Nam mất đi một người đồng nghiệp đam mê công việc…
Đối với chúng tôi, từ nay vắng bóng một người em luôn nhiệt tình, sôi nổi; một người chị luôn cá tính, chân thành. Sân khấu kịch vắng bóng một người nghệ sĩ tài năng, nhiệt huyết; khán giả sẽ không được thưởng thức sự thăng hoa của Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga trong các vai diễn… Tổn thất to lớn này không gì bù đắp nổi với tất cả người thân, gia đình, họ hàng và những người bạn bè, đồng nghiệp.
Cuộc đời "sống gửi thác về"… phép màu mà chúng ta mong đợi đã không đến, Bùi Phương Nga không còn bên chúng ta nữa, nhưng nụ cười ấy, năng lượng ấy vẫn còn mãi ở nơi đây, ở trong trái tim và tâm trí của mỗi chúng ta. Chúng ta vẫn luôn nhớ về Bùi Phương Nga với những gì chân thành và tốt đẹp nhất", Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu nghẹn ngào.
Nghệ sĩ ưu tú Phương Nga sinh ngày 26/1/1977. Quê quán: xã Trực Tĩnh – huyện Trực Ninh – tỉnh Nam Định. Trong 26 năm công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, chị đã tham gia hàng loạt vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam như: "Chia tay hoàng hôn", "Ả cave nhà hàng Maxim", "Ngụ ngôn năm 2000", "Đàn chim xây giếng giữa trời", "Hoa cúc xanh trên đầm lầy", "Hồi chuông cảnh tỉnh", "Nguồn sáng trong đời", "Giấc mộng đêm hè", "Nghề cầu may", "Đi tìm điều không mất", "Gái hạng sang", "Mỹ nhân và anh hùng", "Em trao anh đôi mắt của em", "Người thi hành án tử", "Ba trong một", "Lão hà tiện", "Thế sự", "Đêm trắng"… Bên cạnh đó, chị còn là người không thể thiếu trong các thành phần sáng tạo và đóng góp quan trọng vào các vở diễn như "Nhân thế", "Người đi dép cao su", "Bóng rối", "Quan thanh tra"… và những nhiệm vụ đoàn thể khác như các công tác Đảng, Công đoàn… của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Ngoài lĩnh vực sân khấu, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga còn tham gia nhiều vai diễn trên truyền hình: "Cuốn sổ ghi đời", "Ngã ba thời gian", "Nguyên quán", "Bảy ngày làm vợ", "Giai điệu phố", tiểu phẩm "Con nghiện", những tiểu phẩm trong chương trình Gặp nhau cuối tuần…
Chị đã đạt các giải thưởng: Giải Diễn viên trẻ Triển vọng tại Cuộc thi Tài năng diễn viên trẻ, Vai "Bà già" trong vở "Tìm gạo", Năm 2008); Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan Sân khấu Kịch Lưu Quang Vũ, Vai "Vợ người hàng thịt" trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" năm 2013; Huy chương Vàng Liên hoan Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân – Năm 2015); Huy chương Bạc tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm - Năm 2016; Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc, Vai "Hoạn Thư" trong vở "Kiều" - Năm 2018); Huy chương Bạc tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 – Vai diễn "Không tên" trong vở "Sự sống", Năm 2019; Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc – Năm 2021...
Với những thành tích và đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, chị đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Bằng khen Bộ trưởng, Bằng khen của Ban Chấp hành Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen của Ban Chấp hành TW Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ; Kỷ niệm chương về sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú được Nhà nước trao tặng năm 2019.
No comments